Năm 2016 này, người lao động Việt Nam có nguy cơ bị từ trối tiếp nhận làm việc tại Hàn Quốc bởi số lao động bỏ trốn của Việt Nam tại quốc gia này đang ở mức báo động.
Năm 2015, 2.000 lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc đã về nước. Điều này thể hiện sự nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, kết quả này vẫn chưa đạt được như mong muốn của cả 2 phía: “Nếu như Quý 1/2015, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hợp đồng không về nước, ở lại Hàn Quốc là 47,7% thì đến hết Quý 3/2015, con số này xuống còn 31,9%. Có thể thấy đây là nỗ lực rất lớn (gần 20% trong 3 quý).
Tính bình quân cả năm 2015, hiện vẫn còn khoảng 35% lao động hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động không chịu về nước. Con số này vẫn cao hơn kỳ vọng của cả 2 bên (hai bên mong muốn nó phải xuống 30%). Hiện nay Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang rốt ráo triển khai các giải pháp để nâng cao tỷ lệ lao động về nước đúng hạn, giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp ở quốc gia này.
Theo tính toán, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc vẫn đứng đầu danh sách 15 quốc gia có lao động đang làm việc tại thị trường này. Đây cũng là lý do khiến năm 2015 Việt Nam tiếp tục không đưa được lao động mới nào sang thị trường Hàn Quốc. Nguy cơ đóng cửa thị trường Hàn Quốc rất có thể xảy ra, bởi đến tháng 4 tới, Hiệp định lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hết hiệu lực. Để đàm phán tiếp Hiệp định này thì Việt Nam phải giảm số lao động bỏ trốn xuống dưới 30%, sau đó có lộ trình giảm dần hàng năm. Điều này có nghĩa đến tháng 3/2016, Việt Nam không giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống sẽ rất khó để nối lại Hiệp định .
Nguồn: Internet